Chăm sóc cây ăn quả mùa lạnh

Miền Bắc Việt Nam khí hậu phân mùa rõ rệt. Mùa xuân ấm ẩm, mưa dầm, mùa hè, mùa thu nắng lắm, mưa nhiều, thậm chí còn nhiều bão gió; mùa đông rét và khô.

Các loại cây ăn quả miền Bắc thường ra hoa vào vụ xuân - hè và thu hoạch rải rác từ mùa thu. Do vậy, cây ăn quả khá đa dạng về giống và chủng loại, mỗi loại có chế độ chăm sóc khác nhau. Về tổng thể, có thể phân 2 nhóm: nhóm lá xanh quanh năm và nhóm rụng lá hàng năm.

Nhóm cây lá xanh quanh năm

Đây là những cây đa dụng, vừa ăn quả, vừa bóng mát vừa cảnh quan. Trong điều kiện nhiệt độ thích hợp, cây xanh lấy năng lượng mặt trời tổng hợp thành chất hữu cơ tạo năng suất cây trồng.

Khi thiếu nắng hoặc thời tiết rét, khô, cây không quang hợp được nhưng vẫn phải hô hấp để duy trì sự sống nên tiêu tốn chất hữu cơ. Đây là lãng phí dinh dưỡng của nhóm cây lá xanh quanh năm.

Vì vậy, nhóm này thường có hiện tượng ra quả cách năm. Khắc phục hiện tượng trên, điều chỉnh ra hoa khá khó khăn, phần nhiều tác động bằng những yếu tố ngoại cảnh vào thời kỳ trước ra hoa. Nếu mùa đông khô rét nhiều, cây cằn cỗi thuận cho phân hóa mầm hoa.

Ngược lại, nếu mùa đông ấm, ẩm hoặc cây xanh tốt, tỷ lệ C/N thấp sẽ hạn chế hoặc kìm hãm ra hoa. Do vậy, ngoài yếu tố thời tiết thì việc chăm sóc các loại cây cũng khác nhau:

Nhóm cây ra quả đầu cành như nhãn, vải: Cành ra từ mùa thu năm trước là cành mẹ mang quả năm sau. Nếu cành khỏe và bánh tẻ thì vào mùa xuân tới, hoa sẽ nở trên đầu cành. Nếu mùa đông đã ra chồi lá thì mùa xuân không ra hoa. Do vậy mùa đông không được chăm sóc, bón phân cho nhãn, vải, tốt nhất để cây khô cằn.

Nhóm cây có múi: Việc điều chỉnh ra hoa dễ hơn, chủ yếu bằng điều tiết tỷ lệ C/N thông qua giải pháp “xiết nước”.

Nhóm câu có múi
Nhóm câu có múi

Nếu thu quả vào mùa thu thì ngay sau thu hoạch, sau việc làm cỏ (cắt tỉa cành tăm tơ, sâu bệnh…), sẽ cuốc rạch xung quanh tán cây, bón phân hữu cơ và phân đa yếu tố NPK (5:10:3); tùy tình hình sinh trưởng của cây mà bón lượng nhiều ít, lấp đất và tưới ẩm vừa để để cây hồi phục sau kỳ mang quả, vừa tạo sức cho cây ra hoa vụ tới.

Nếu cây xanh tốt quá, vào thời điểm khô hanh, nên cuốc đất phơi ải xung quanh tán cây, cách gốc cây 0.5m vừa diệt nấm bệnh, vừa làm đứt rễ tơ hạn chế hút dinh dưỡng. Ngoài ra, còn có thể dùng vọt tre vụt cho rách, rụng bớt lá để hạn chế sinh trưởng, tạo điều kiện cho phân hóa mầm hoa vụ xuân. Sau đó trộn, đảo phân đa yếu tố NPK (5:10:3) vào đất (lưu ý không được tưới).

Trong trường hợp thu quả muộn vào dịp Tết Nguyên đán: Trước thu hoạch 50 - 60 ngày nên bón thêm phân đa yếu tố NPK 12:12:17, kết hợp tưới nước để bổ sung dinh dưỡng nuôi quả. Ngay sau thu quả, bấm tỉa cành đã mang quả, cành tăm tơ, cành sâu bệnh rồi cuốc sâu theo tán cây, bón phân hữu cơ ủ mục với NPK 5:10:3. Nếu đã gần tiết lập xuân, sau khi lấp đất kín phân cần tưới cho đủ ẩm đề sớm ra rễ mới.
 

Nhóm cây lá rụng hàng năm

Nhóm cây rụng lá hàng năm như: na, hồng, đào, mận… khi thời tiết khô, rét cây tự rụng lá để bảo toàn dinh dưỡng, sang xuân cây ra lá đến đâu, hoa ra đến đó. Những cây này, việc bón phân cơ bản trong năm gồm phân hữu cơ ủ mục và NPK 5:10:3 có thể bón ngay sau thu hoạch hoặc gần tiết lập xuân.

Nhìn chung, mùa đông, mùa “cây khô lá vàng”, mọi cây trồng đều ngừng hoặc hạn chế sinh trưởng nên việc bón phân cho cây ăn quả giai đoạn này có thể tiến hành trước hoặc sau thời kỳ khô rét tùy thuộc vào loại cây và thời điểm thu hoạch của mỗi cây.

Tuy nhiên, nhất thiết phải dùng phân hữu cơ ủ mục và phân bón đa yếu tố NPK 5:10:3 để cây trồng được cung cấp đầy đủ các chất NPK, chất mùn và các dinh dưỡng trung, vi lượng, giúp bộ rễ nhanh hồi phục và phát triển, bởi không chỉ mau hồi sức sau kỳ nuôi quả mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho phân hóa mầm hoa vụ xuân và hạn chế hiện tượng rụng quả sinh lý đợt 1 vào lúc sau đậu quả khoảng 20 - 25 ngày.