Giải pháp nào thay thế cho kháng sinh để không ảnh hưởng tới sức khỏe, năng suất vật nuôi, đảm bảo hiệu quả kinh tế?
Đặc biệt, thói quen sử dụng tràn lan kháng sinh trong chăn nuôi là một việc quan trọng hàng đầu cần phải xử lý ngay...
Ai cũng biết, người chăn nuôi thích trộn kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi (TĂCN) nhằm mục đích kích thích sinh trưởng và hạn chế mầm bệnh cho vật nuôi. Sử dụng kháng sinh trong khẩu phần ở một tỷ lệ hợp lý có tác dụng tăng năng suất vật nuôi, cải thiện hệ số tiêu tốn thức ăn và phòng ngừa tiêu chảy, từ đó làm tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Bên cạnh lợi ích tích cực của kháng sinh thì việc sử dụng bừa bãi sẽ gây ra tác hại rất lớn cho sức khỏe cộng đồng. Tác hại của kháng sinh được thể hiện dưới 3 dạng:
- Tạo ra các dòng vi khuẩn kháng thuốc do thu nhận thêm thông tin di truyền và do đột biến nhiễm sắc thể mà tạo ra các dòng vi khuẩn mới kháng lại một loại kháng sinh nào đó.
- Tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh của con người khi sử dụng. Nguyên nhân là do khả năng kháng thuốc của các dòng vi khuẩn gây bệnh ở động vật cũng có khả năng lan truyền sang con người và kết quả là khi con người bị nhiễm bệnh sẽ làm cho khả năng chữa trị khó, lâu dài và phức tạp hơn.
- Làm rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột. Thông thường khi sử dụng những kháng sinh có hệ phổ kháng khuẩn rộng, nhất là dùng qua đường uống sẽ tiêu diệt cả những vi khuẩn có ích trong đường ruột, từ đó hệ vi sinh vật trong đường ruột bị thay đổi mà hệ quả của nó là gây tiêu chảy nặng, kéo dài và thiếu các Vitamin E, K do vi khuẩn đường ruột tạo ra.
Do tác hại của kháng sinh, nhiều nước cấm sử dụng kháng sinh trong TĂCN hoặc có những quy định nghiêm ngặt về chủng loại cũng như liều lượng kháng sinh được phép sử dụng.
Giải pháp nào thay thế cho kháng sinh?
Thực tế đã chứng minh đã có hàng loạt những giải pháp thay thế kháng sinh trong khẩu phần như: Sử dụng các chế phẩm sinh học probiotic và nấm men, sử dụng axit hữu cơ, thảo dược..., sẽ đạt hiệu quả cao nhất bởi những tác dụng hữu ích của nó, như:
- Làm cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, gia tăng sự cạnh tranh của các vi sinh vật có lợi, do đó sẽ làm giảm số lượng các vi sinh vật có hại.
- Làm giảm stress, cải thiện tăng trọng và hệ số tiêu tốn thức ăn, cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể.
- Chống lại sự xâm nhập của các vi khuẩn như Samonella, E.Coli do có tác dụng làm giảm pH đường ruột.
Một hướng đi được dự báo sẽ rất mạnh mẽ trong tương lai là sử dụng các chế phẩm thảo dược trong thiên nhiên để thay thế cho việc sử dụng kháng sinh, các chất kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi.
Theo Phân viện Chăn nuôi Nam bộ (Viện Chăn nuôi Quốc gia), nhiều tác giả đã nghiên cứu sử dụng chế phẩm chiết xuất thảo dược cho thấy tác dụng kích thích tăng trưởng rõ rệt trên lợn.
Cụ thể, một thí nghiệm ở Đan Mạch bổ sung hỗn hợp chế phẩm thảo mộc vào khẩu phần lợn nuôi thịt đã cải thiện 19% tăng trọng và 16% chuyển hóa thức ăn so với đối chứng. Cũng theo nghiên cứu này, việc sử dụng hỗn hợp các chế phẩm thảo mộc đã cải thiện 24% tăng trọng, 15% chuyển hóa thức ăn, đồng thời rút ngắn 13% thời gian nuôi.
Một thí nghiệm khác cũng bổ sung các loại vỏ cam, quýt, bột hạt quả thông trong thức ăn lợn con sau cai sữa đã cải thiện 15,4% tăng trọng, 4,5% hiệu quả chuyển hóa thức ăn…
Ở nước ta, các loại thảo mộc từ thiên nhiên đã được y học cổ truyền chứng minh hiệu quả chữa bệnh cũng như bồi bổ cơ thể trên người. Nghiên cứu áp dụng kinh nghiệm của y học cổ truyền để bào chế các chế phẩm từ thảo mộc (quế, đinh hương, kinh giới, hồi, tỏi, ớt, nghệ, vỏ cam, quýt…) có chứa chất kháng khuẩn, chất kích thích tăng trưởng để thay thế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi là một hướng có triển vọng đối với nước ta.
Cùng với việc sử dụng các chất thay thế cho kháng sinh, theo các chuyên gia, người chăn nuôi cần áp dụng tổng hợp nhiều giải pháp sẽ giúp đạt hiệu quả cao nhất, bao gồm:
Hệ thống giải pháp cho sức khỏe vật nuôi: vắc xin hiệu quả; tuân thủ an toàn sinh học; đủ thời gian trống chuồng.
Hệ thống giải pháp quản lý: Chuồng nuôi thông thoáng, nhiệt độ và ẩm độ thích hợp; cùng đầy chuồng/cùng trống chuồng; giảm mật độ nuôi; đảm bảo chất lượng nước; giảm stress.
Hệ thống giải pháp dinh dưỡng: Đảm bảo chất lượng thức ăn, khẩu phần cân đối và phù hợp với từng loại vật nuôi.