Sau hàng ngàn thí nghiệm thất bại, anh Việt đã tìm được những vị trí thích hợp và mổ cấy ghép thành công nhân ngọc trai kích thước 10mm, với tỷ lệ trai mẹ sống lên tới 70%.
Những giáo sư, tiến sĩ hàng đầu của Viện Nghiên cứu thủy sản Mymensingh (Bangladesh) đã từng tìm đến anh “tầm sư học đạo” về nghề nuôi cấy ngọc trai.
Nếu đồng ý chuyển giao toàn bộ công nghệ này cho nước bạn, anh sẽ nhận được 4 tỷ đồng. Nhưng, anh đã từ chối. Chìm, nổi cùng con trai Đinh Văn Việt nói tiếng Nhật rất giỏi. Anh cũng là một trong số ít người được đào tạo chuyên sâu về nghề nuôi cấy ngọc trai nước mặn tại xứ sở hoa anh đào vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.
Năm 2005, dù nhận được mức lương “khủng” (khoảng 1 cây vàng/tháng) tại Cty Liên doanh Ngọc trai Hạ Long, chàng trai trẻ vẫn chẳng an phận thủ thường. Anh vay ngân hàng 1,7 tỷ đồng, dồn vốn đầu tư khu nuôi ngọc trai rộng 10ha giữa vịnh Hạ Long. Chính ở nơi này, anh và người vợ trẻ đã nếm đủ trời giông, bão biển, bao phen chết hụt cùng những con trai ngậm ngọc dưới bể sâu. Anh Việt bảo: “Xét về kỹ thuật, chưa bao giờ mình thất bại, nhưng việc tìm thị trường ngọc trai thời bấy giờ vô cùng ngáo ngơ”.
Vụ đầu thu được khoảng 30kg ngọc, bị đối tác o ép và trả giá rất rẻ mạt. Lỗ năm này đè lên năm khác, để rồi anh phải bán tống bán tháo tài sản sau 6 năm gắn bó. Rời Hạ Long, hai vợ chồng lại cơm đùm cơm nắm vào khu đầm phá Tam Giang (Thừa Thiên - Huế) đeo đuổi giấc mơ làm giàu từ những hạt ngọc trai.
Vậy mà, trời đất vẫn chẳng dung. Năm 2011, trận đại hồng thủy trút xuống, cả vùng nước ngập mặn bị ngọt hóa (độ mặn nước trong đầm bằng 0). Hơn 20 vạn con trai trong khu nuôi rộng 10ha há hốc mồm. Ngồi trên bè nổi, nước mắt của chủ đầm lã chã rơi, nhưng chẳng thể pha mặn dòng nước đục ngầu cứu lấy tài sản sống của mình. Biển cả vô chừng với anh Việt không còn là mảnh đất hứa. Nhưng, đã trót đem lòng “sinh nghề, tử nghiệp” với con trai, anh không thể dứt được. Không nuôi trai nước mặn thì nuôi trai nước ngọt trong sông, trong đầm.
Khổ nỗi, những nghiên cứu về kỹ thuật nuôi cấy trai nước ngọt quá ít; tìm khắp miền Bắc chẳng thấy một mô hình để học tập. Suốt một thời gian dài, trên các khúc sông Hoàng Long, sông Đáy, sông Vạc và ao đầm, người ta thấy anh lặn ngòi ngoi nước, thuê các toán thợ mò tìm những con trai dưới đáy bùn về làm thí nghiệm. Tạo hóa không phụ công. Đinh Văn Việt là người đầu tiên phát hiện ra loài trai xanh cánh mỏng (sống ở nước ngọt) có mô tế bào tạo màu sắc xà cừ ngọc trai đẹp ngang ngửa trai nước mặn. Khi ghép mô tế bào của trai xanh cánh mỏng và nhân (làm từ vỏ loài trai cóc) vào khu vực xoang màng áo ngoài của loài trai đen cánh dầy (có kích thước lớn và khỏe mạnh) sẽ tạo ra những viên ngọc tuyệt bích.
Theo anh Việt, thủ phạm khiến trai mẹ chết sau cấy ghép nhân là do nhiễm trùng vết mổ do môi trường nước sông, ao đầm không đảm bảo hoặc bản thân con trai di chuyển, khiến nhân bị dịch chuyển gây bục màng túi. Anh đã nghiên cứu xây bể xi măng và sử dụng nước máy để dưỡng trai mẹ sau mổ cấy ghép nhân. “Nước máy rất sạch và có chứa chất Clo gây phản ứng, giúp trai mẹ khép vỏ lại để bảo vệ cơ thể. Trong khoảng 1 tuần, con trai không di chuyển và nhờ đó vết mổ sẽ lành trở lại”, anh Việt bật mí.
Anh cũng là người giữ kỷ lục khi có thể cấy 40 viên nhân ngọc vào cơ thể một con trai (mỗi viên ngọc là một vết mổ) và đảm bảo con trai vẫn sống bình thường. Những cường quốc phát triển ngọc trai như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ cũng không dám mạo hiểm cấy ghép hai viên nhân ngọc kích thước 10mm vào cơ trai mẹ, bởi nếu trích vết mổ sai một li, con trai khó bảo toàn tính mạng.
Thế mà, sau hàng ngàn thí nghiệm thất bại, anh Việt đã tìm được những vị trí thích hợp và mổ cấy ghép thành công nhân ngọc trai kích thước 10mm, với tỷ lệ trai mẹ sống lên tới 70% (trong khi những công trình nghiên cứu trước đó, tỷ lệ trai mẹ ngậm ngọc sau cấy ghép chỉ đạt 20 - 30%).
Sau khi nuôi từ 18 - 24 tháng, viên ngọc có thể đạt 14 - 16 mm, đạt tiêu chuẩn loại 1 (AAA) và bán với giá rất cao.
Không “xuất khẩu công nghệ” vì 4 tỷ đồng
Nhớ ngày đầu thành lập Cty Hồng Ngọc Pearl ở quê nhà (xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh, Ninh Bình), người ta thấy Đinh Văn Việt ngày ngày lấm lem bùn đất nên cười khẩy: “Ông giám đốc gì mà khổ sở thế, suốt ngày mò trai bắt tép!”. Anh đáp xuề xòa: “Giám đốc là nghề mạt hạ nhất xã hội mà”. Nói vậy, nhưng tim anh đau nhói. Bằng mọi giá, anh phải bắt con trai nhả ngọc ở vùng đất bùn lầy này. Từ khu đầm thử nghiệm mô hình nuôi cấy ngọc trai rộng 7 sào Bắc Bộ, đến nay anh đã mở rộng diện tích mặt nước nuôi trai nước ngọt lên 4ha.
Anh Việt nhẩm tính, chi phí cho 1 con trai sau khi đã cấy ghép nhân ngọc (4 viên nhân kích thước 7mm, hoặc 2 viên nhân kích thước 10 mm) thành công khoảng 25.000 đồng. Sau 18 - 24 tháng nuôi dưỡng trong sông hoặc ao đầm, giá trị ngọc trong cơ thể mỗi con trai lên tới 800.000 đồng.
Cá biệt, có những viên ngọc màu sắc đẹp kích thước từ 15mm trở lên, chủ đầm trai có thể bán với giá 7 - 8 triệu đồng/viên. 1ha mặt nước có thể thả với mật độ 2 vạn con trai (thả ở dưới bùn và nuôi treo trong túi lưới).
Nếu có kỹ thuật nuôi tốt, trừ chi phí đầu tư, chủ đầm có thể thu lãi tiền tỷ. Không chỉ có biệt tài cấy ghép ngọc trai nhân tròn, anh Việt còn sáng tạo ra phương pháp cấy ngọc trai với rất nhiều hình thù khác nhau trên vỏ trai theo các chủ đề như tôn giáo (tượng phật), chân dung các danh nhân trên thế giới (Bác Hồ) và các con giáp (với nhân được chạm khắc thủ công từ vỏ trai).
Đặc biệt, anh là người đầu tiên trên thế giới cấy ghép và mạ ngọc được vỏ một con ốc nón có đường kính 5cm, dài 7cm trong cơ thể một con trai. Mẫu vật với chất liệu ngọc trai tự nhiên chủ đề “nón ngọc” (một sản phẩm đặc trưng của người Huế) đã được vinh danh là sản phẩm độc đáo nhất thế giới tại Hội chợ Tucson (Mỹ) trong suốt 3 năm (2007, 2008 và 2009).
Một công ty thời trang chuyên may áo dài đang đặt hàng công ty của anh khoảng 20.000 mẫu phẩm mạ ngọc trai tự nhiên hình thoi và giọt lệ để làm trang sức đính kèm các bộ trang phục đắt giá. Cách đây vài tháng, anh Việt được Chính phủ Bangladesh mời sang giúp đỡ khảo sát nguồn nước và đánh giá một số loài trai bản địa phù hợp để nuôi cấy ngọc trai.
Sau chuyến đi, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu thủy sản Mymensingh sang Việt Nam ngỏ ý mua lại toàn bộ công nghệ nuôi cấy ngọc trai nước ngọt của anh với giá 4 tỷ đồng. Tuy nhiên anh chỉ đồng ý chuyển giao lý thuyết về kỹ thuật nuôi cấy ngọc trai nước ngọt cho các giáo sư, tiến sĩ của Viện với giá 1,2 tỷ đồng. Lớp tập huấn được tiến hành ngay tại Hà Nội trong 14 ngày.
“Nếu tôi tham lam, nhận 4 tỷ và chuyển giao công nghệ nuôi cấy ngọc trai cho Bangladesh thì giàu kếch sù. Nhưng, nếu không tỉnh táo thì sẽ giết chết cả một ngành hàng mang lại cơ hội làm giàu cho rất nhiều người. Bởi ở Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung, diện tích mặt nước hoang hóa nhiều vô kể”, anh Đinh Văn Việt nói....