5 năm tới, phần lớn người tiêu dùng sẽ được tiếp cận thực phẩm sạch?

Mới đây, tại TP.HCM, Soha và Bộ NN-PTNT đã tổ chức Diễn đàn kết nối Doanh nghiệp – Người tiêu dùng với nội dung "Thực phẩm sạch giành cho ai?"

Diễn đàn đặt ra một câu hỏi: Đến khi nào chúng ta cơ bản chấm dứt được tình trạng sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm không đảm bảo ATTP, đang phổ biến như hiện nay?

Một mô hình trồng rau an toàn
Một mô hình trồng rau an toàn

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, vấn đề ATTP đang là mối quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội và các cấp, các ngành.

Cách đây hơn 5 năm, Ban Bí thư TƯ Đảng đã có chỉ thị số 08 và trong năm nay đã sơ kết 5 năm thực hiện, qua đó đưa ra những kết luận, chỉ đạo về ATTP. Quốc hội đã chính thức đưa việc giám sát tối cao về ATTP vào chương trình giám sát của Quốc hội.

Hiện nay, các đoàn giám sát của Quốc hội đang đi giám sát ATTP ở các địa phương. Tháng 5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 13, trong đó giao, quy trách nhiệm rất rõ ràng cho người đứng đầu chính quyền các cấp, đồng thời chỉ ra những mặt hàng nông sản, đặc biệt là những sản phẩm tươi sống liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tiêu dùng hàng ngày của người dân để tập trung tạo ra những chuyển biến tích cực về ATTP.

Năm 2016 được Bộ NN-PTNT coi là năm cao điểm hành động về ATTP. Bộ NN-PTNT đang tập trung vào 4 nội dung trọng tâm liên quan đến ATTP. Thứ nhất là rà soát, hoàn thiện thể chế về quản lý ATTP ở lĩnh vực mà Bộ quản lý. Trong đó đề xuất, ban hành các luật thế hệ mới về BVTV về thú y, BVTV.

Trong năm 2017 và 2018 sẽ hoàn thiện luật thủy sản, luật chăn nuôi, luật trồng trọt... Gọi là luật thế hệ mới vì nó quy định chi tiết và tiếp cận những thông lệ quốc tế cũng như khu vực.

Thứ 2 là tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP. Đặc biệt là kiểm soát chất cấm, vật tư đầu vào.

Thứ 3 là xây dựng và phát triển các chuỗi nông sản sạch.

Thứ 4 là kết nối các sản phẩm có chứng nhận an toàn với người tiêu dùng.

Kết quả thực hiện cho thấy đã có những chuyển biến đáng ghi nhận về ATTP. Trong đó, nổi bật nhất là đã ngăn chặn được tình trạng sử dụng Salbutamol trong chăn nuôi. Bằng chứng là từ tháng 6 đến nay, tất cả các mẫu thịt lợn qua kiểm tra đều không phát hiện Salbutamol. Đến nay, trên cả nước đã hình thành được 444 chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn.

Một điều rất đáng chú ý là toàn xã hội đã có sự quan tâm tới sản xuất, tiêu thụ thực phẩm an toàn. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn trong và ngoài ngành nông nghiệp đã có sự quan tâm đầu tư vào nông nghiệp nói chung và sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn phục vụ nhu cầu dùng thực phẩm sạch của người tiêu dùng Việt Nam. Vấn đề đặt ra phải làm thế nào sản xuất ra thực phẩm sạch với giá thành hợp lý để người nghèo cũng có thể tiếp cận được.

Tuy nhiên, một câu hỏi lớn đã được đặt ra tại Diễn đàn là đến khi nào phần lớn người dân Việt Nam được sử dụng thực phẩm an toàn. Với câu hỏi này, các nhà quản lý nhà nước như ông Nguyễn Như Tiệp (Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Bộ NN-PTNT), ông Phạm Văn Cảnh (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An), đại diện các hiệp hội như TS Trần Quang Trung (Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thực phẩm), TS Đinh Thị Mỹ Loan (Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam), nhà khoa học như GS Võ Tòng Xuân, các doanh nhân Hoàng Nguyễn Bảo Ngọc (GĐ Nhà máy Nestle Đồng Nai) và ông Nguyễn Lâm Viên (TGĐ Vinamit), đều cho rằng với nỗ lực hiện nay của toàn xã hội, trong vòng 5 năm tới, chúng ta có thể sẽ cơ bản xử lý được tình trạng sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm mà phần lớn là không đảm bào ATTP như hiện nay.

Trồng rau sạch bằng công nghệ vi sinh EM
Trồng rau sạch bằng công nghệ vi sinh EM